Tin tức - Blog

Quay về năm 2007, bạn còn nhớ PC khủng 10 năm về trước trông như thế nào không?

Quay về năm 2007, bạn còn nhớ PC khủng 10 năm về trước trông như thế nào không?

31/12/2018

Cách đây ít lâu, chúng tôi đã từng gửi tới các bạn độc giả một bài viết có chút thông tin khái quát lại thị trường game năm 2007, nghĩa là 1 thập kỷ trước. Nếu các bạn đã lỡ quên, hoặc là những game thủ trẻ tuổi chưa trải qua những ngày hoàng kim của năm 2007, chúng ta có thể điểm qua những tựa game bom tấn đã tròn 10 tuổi nhưng vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ game toàn thế giới: Bioshock, Call of Duty 4: Modern Warfare, Halo 3, God of War II, Mass Effect, Crysis, Forza Motorsport 2, Metroid Prime 3: Corruption, Super Mario Galaxy...


Crysis 2007

Crysis 2007

Phải khẳng định rằng, xét riêng trên phương diện game, thì 10 năm về trước là khoảng thời gian vàng của những game thủ 9x. Còn ở thị trường Việt Nam, ngày ấy game mới bắt đầu có những bước chập chững trong cuộc tiến công vào thị trường đầy tiềm năng khi ấy, và là một trong những thị trường lớn nhất khu vực hiện tại. Quán net, những phòng máy chơi game được nâng cấp từ việc chỉ kết nối với nhau qua mạng LAN, thì nay đã được kết nối cả internet để phục vụ nhu cầu chơi game online.

Quay trở lại với phần cứng máy tính. Khi ấy, máy tính chưa đẹp như bây giờ, và nó đơn thuần chỉ là một công cụ để game thủ có thể thả sức mình chìm đắm vào thế giới ảo tuyệt đẹp mà các nhà phát triển đã tạo ra. Không có tản nhiệt nước, không có đèn LED RGB, cũng chưa thể có những món gaming gear được các hãng sản xuất riêng cho nhu cầu game, với thiết kế cuốn hút mọi ánh nhìn như ngày hôm nay. Khi ấy, chỉ cần một cỗ máy tính đủ sức vào được game, chưa cần max cấu hình đã khiến biết bao người thổn thức rồi.

 


Hồi năm 2007 ra quán net màn hình CRT Samsung 17 inch là chuyện rất bình thường. Quán nào có LCD mới là chuyện lạ!

Hồi năm 2007 ra quán net màn hình CRT Samsung 17 inch là chuyện rất bình thường. Quán nào có LCD mới là chuyện lạ!

Khi ấy tôi vẫn còn nhớ câu chuyện một anh chàng game thủ cài Bioshock, một trong những tựa game hay nhất năm ấy vào máy tính, chơi được khoảng 30 phút thì máy bốc khói nghi ngút vì phần cứng không chịu nổi nhiệt. Giờ vào lại Bioshock có lẽ bạn sẽ chẳng mảy may quan tâm, nhưng 10 năm về trước, khi công nghệ hình ảnh mới chỉ dừng lại ở DirectX 9, Unreal Engine thì mới dừng ở con số 2.5, Bioshock là một trong số những tựa game khiến bất kỳ ai nhìn vào cũng phải choáng ngợp. Và như một lẽ đương nhiên, cấu hình mà nó đòi hỏi cũng rất khủng khiếp.

Và, góp nhặt những phần ký ức như vậy, chúng tôi quyết định tìm lại những món phần cứng "xịn" nhất thời bấy giờ mà game thủ Việt có thể mua được, để các bạn độc giả có được một cái nhìn trở về quá khứ, thời kỳ cuối những năm 2000 với mục đích vẽ ra một bức tranh tuy khó có thể toàn cảnh, nhưng phần nào mô tả được những thay đổi của thị trường máy tính chơi game tại Việt Nam cũng như trên thế giới trong 10 năm trời.

 


Bạn có tin hồi 2007 vẫn có người tin cái vỏ case càng đẹp thì máy tính càng khủng càng mạnh không? Ấy thế mà là sự thật đấy!

Bạn có tin hồi 2007 vẫn có người tin cái vỏ case càng đẹp thì máy tính càng khủng càng mạnh không? Ấy thế mà là sự thật đấy!

Bắt đầu là với main và chip. Khi ấy, card đồ họa chưa phải là thứ khiến nhiều người lầm tưởng về khả năng xử lý game như bây giờ. Những cửa hàng bán máy tính đều phục vụ tất cả mọi đối tượng, từ sinh viên, người dùng phổ thông, dân văn phòng, và đương nhiên là cả game thủ nữa. Những bộ máy tính cũ được bán rất nhiều với mức giá ngót nghét cả chục triệu Đồng.

Nhưng 10 năm về trước, hầu hết tất cả đều có chung tư tưởng CPU khỏe là chơi game ngon, vẫn chưa chính xác hoàn toàn nhưng không ngược đời đến mức mua G4560 và GTX 1070 về chơi game như một ai đó bây giờ. Và "hot boy" của thời đại ấy không gì khác chính là Core 2 Duo. Những con chip thời ấy được tạp chí PCWorld Việt Nam giới thiệu hàng tháng có tên mã Conroe, và nổi tiếng nhất trong số chúng có lẽ là E6300. CPU chạy 2 nhân tốc độ 1,87 GHz với 2MB cache L2 đủ sức chạy hầu hết mọi game thời ấy. Thực tế thì cũng chính vì những hạn chế của phần cứng nên game khi ấy cũng được phát triển vừa đủ chứ không "tất tay" như bây giờ.

Ai có điều kiện, hay có nhu cầu sử dụng chuyên nghiệp thì tìm đến E6700, con chip có giá đắt gấp 3 lần E6300, nhưng xung nhịp được đẩy lên tận 2,67 GHz. Khi ấy chưa có khái niệm đa phân luồng như Core i bây giờ. Những cỗ máy tính rẻ tiền hơn thì được lắp chip Celeron hay Pentium M 1 nhân. Những cỗ máy này đa phần đều ở ngoài quán net nên chúng buộc phải có mức giá đầu tư rẻ để phù hợp với chi phí giờ chơi chỉ cỡ 2 đến 3 nghìn Đồng 1 tiếng.

Có chip rồi thì lắp mainboard gì? Những CPU socket LGA775 như thế này không đòi hỏi nhiều, nhưng để tiết kiệm chi phí khi chơi game, nhiều người vẫn cố gắng chọn những mainboard có chip tăng tốc xử lý đồ họa tích hợp của chipset 915GL nếu chọn Pentium 4, hay G31 dành cho Core 2 Duo. GPU onboard GMA 3100 khi ấy có chức năng chẳng khác gì Intel HD530 của Core i3 6100 bây giờ cả.

Và thế là bo mạch chủ "vàng ươm" Asus P5KPL-CM trở thành lựa chọn của nhiều game thủ có tiền khi ấy. Nó có slot PCIe x16 để cắm card đồ họa nếu cần nâng cấp, và có cả "card mạng" (cách gọi adapter ethernet của nhiều người lúc bấy giờ):

Xong main và chip là đến RAM. Nhiều người không mấy quan tâm đến xung nhịp của RAM, nhưng với những người quan tâm thì khi ấy bộ RAM có tốc độ khủng nhất cho game thủ chỉ có 800MHz thôi. Dung lượng cũng chỉ đến cỡ 2GB là quá khủng, còn thông thường 512MB đến 1GB là thừa đủ dùng chơi game làm mọi thứ. Giờ đây tìm một kit RAM 32GB DDR4 với bus 2400 đến 3000 MHz không còn khó nữa, nhưng khi xưa chỉ có SDRAM, DDR2 và nó có vẻ ngoài xanh lè chẳng mấy cuốn hút như thế này:

Không có ổ cứng, và ổ đĩa quang thì cũng đừng mơ cài game. Khi ấy, những chiếc ổ 40GB là tiêu chuẩn. Những nhiếp ảnh gia thì chọn hẳn ổ cứng 80 hay 160GB lưu trữ cho được nhiều. SSD là "người ngoài hành tinh", không một ai biết đến khái niệm này, mà kể cả có thì Windows XP cũng chẳng hỗ trợ TRIM để chạy SSD. Thế là những chiếc ổ Maxtor hay "sang" hơn là Western Digital chuẩn ATA trở thành người bạn thân quen của game thủ.

Mỗi game lúc ấy có dung lượng từ 500MB đến gần 10GB, vì thế nên "khéo co thì ấm", những chiếc ổ cứng như thế này vẫn đủ sức chiều lòng game thủ. Giờ thì dến 4TB còn hết, không biết 10 năm nữa ổ cứng máy tính chơi game có lên đến tầm petabyte hay không nữa.


Ngày xưa hay có trò tháo ổ cứng đem sang nhà nhau copy phim, nhạc và cả game nữa. USB khi ấy chỉ có 256MB, không mang ổ cứng thì tuyệt nhiên chẳng còn cách nào khác.

Ngày xưa hay có trò tháo ổ cứng đem sang nhà nhau copy phim, nhạc và cả game nữa. USB khi ấy chỉ có 256MB, không mang ổ cứng thì tuyệt nhiên chẳng còn cách nào khác.

Bình luận (0)

Viết bình luận :